
Trẻ biếng ăn lâu ngày: Nguyên nhân & Giải pháp
| 03/08/2018XEM NHANH
Trẻ biếng ăn lâu ngày
Trẻ biếng ăn lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, chậm tăng cân và kém phát triển trí tuệ. Vậy đâu là nguyên nhân gây biếng ăn cho trẻ? Giải pháp khắc phục tình trạng lười ăn ở trẻ như thế nào? Cha mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây của Shopsua.vn nhé.
Biếng ăn do chế độ dinh dưỡng
Trẻ có thể biếng ăn do chính những sai lầm trong cách chế biến của cha mẹ như:
Bữa ăn không cân đối các giữa các nhóm chất dinh dưỡng: Cha mẹ nghĩ rằng trẻ chi cần ăn thịt, cá và không cần ăn rau cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Đây là quan điểm sai lầm, bởi không ăn rau trẻ sẽ thiếu hụt đi nguồn vitamin dồi dào và cơ thể không được bổ sung đầy đủ hàm lượng chất xơ. Điều này dẫn đến đường tiêu hóa của trẻ hoạt động kém, trẻ kém hấp thu dinh dưỡng và trở nên biếng ăn. Không chỉ vậy, bổ sung quá nhiều đạm sẽ khiến dạ dày của trẻ làm việc quá tải và làm cho chứng kém hấp thu ngày càng trở nên trầm trọng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cho trẻ ăn thức ăn quá thô và cứng khi cơ hàm trẻ chưa phát triển cũng khiến trẻ khó nhai và hình thành thói quen ngậm thức ăn. Ngược lại, đối với trẻ trên 1 tuổi, nếu cha mẹ cho trẻ ăn thực phẩm quá nhuyễn cũng khiến trẻ biếng ăn do trẻ giảm phản xạ nhai, cơ hàm phát triển chậm. Những thói quen trên khiến trẻ càng ngày càng biếng ăn và có nguy cơ suy dinh dưỡng.
Giải pháp:
Cho trẻ ăn dặm theo đúng độ tuổi. Thức ăn cần được chế biến đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng giữa các nhóm chất đạm, béo, bột đường, vitamin, khoáng chất. Đặc biệt, trong cách chế biến, cha mẹ nên cho trẻ ăn từ loãng đến đặc dần để trẻ phát triển cơ hàm và hình thành khả năng nhai, hạn chế tình trạng ngậm thức ăn ở trẻ.
Biếng ăn do tâm lý
Đây là nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ. Trẻ bị ép ăn khi quá no, hoặc ép trẻ ăn thức ăn mà trẻ không thích dẫn đến tâm lý sợ hãi. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, trẻ sẽ càng ngày càng lười ăn.
Giải pháp:
Cha mẹ cần tránh các hành vi ép buộc như đè trẻ ra đổ thức ăn, quát, mắng trẻ khi ăn. Nên cho trẻ ăn cùng gia đình để tạo không khí vui vẻ, như vậy trẻ sẽ ăn được nhiều và ăn ngon miệng hơn.
Biếng ăn do bệnh lý
Các bệnh lý thường gây biếng ăn cho trẻ là: Nhiễm giun đũa, thiếu vi chất dinh dưỡng, nhiễm trùng đường hô hấp (viêm họng, viêm amiđan, viêm phế quản, viêm phổi), bệnh lý về răng miệng, tình trạng rối loạn hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Giải pháp:
Việc đầu tiên cha mẹ cần làm chữa dứt điểm bệnh mà trẻ đang mắc phải. Sau đó, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để trẻ sớm phục hồi sức khỏe. Khi trẻ bị bệnh, cơ thể thường khó chịu và lười ăn, cha mẹ nên chế biến các thức ăn ở dạng lỏng, dễ nuốt như cháo, súp và bổ sung sữa cho trẻ biếng ăn mỗi ngày.
Cha mẹ nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần cho trẻ. Bên cạnh đó, việc chăm sóc răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh nên tạo thói quen rửa tay trước và sau khi ăn để trẻ không bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Biếng ăn sinh lý
Trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần. Các thời điểm này thường trùng với những lúc trẻ biết lật, biết ngồi, biết đứng, biết đi, mọc răng… Sau đó trẻ ăn uống lại bình thường.
Giải pháp:
Cha mẹ không nên nóng lòng, hãy kiên nhẫn cho trẻ ăn từng bữa nhỏ, thay đổi các món ăn đa dạng hơn… chờ trẻ ngon miệng lại.
Để khắc phục tình trạng lười ăn của trẻ, cha mẹ cần áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung thêm sữa cho trẻ biếng ăn và tìm hiểu rõ các nguyên nhân để có những biện pháp khắc phục phù hợp.