
Trẻ bị ho cha mẹ cần lưu ý gì?
| 02/08/2018Trẻ bị ho là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho. Bởi thế, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ lý do để có những phương pháp chăm sóc phù hợp.
Vậy khi trẻ ho cần lưu ý điều gì? Làm sao để tăng cường sức đề kháng cho trẻ hạn chế bị ho? Cha mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây của Shopsua.vn.
XEM NHANH
Những điều phụ huynh chưa biết khi trẻ bị ho
Ho không phải là một căn bệnh mà là một triệu chứng. Ho là phản xạ nhằm tống các chất dịch, đờm do phế quản hay phổi tiết ra hoặc các dị vật từ ngoài lọt vào như: thức ăn, bụi… ra khỏi đường hô hấp để giúp bảo vệ họng và phổi của trẻ.
Ho có thể là triệu chứng của cảm lạnh thông thường hoặc thường gặp ở trẻ bị hen suyễn, có khi là biểu hiện của nhiễm khuẩn đường hô hấp như:
- Viêm mũi họng
- Viêm thanh quản
- Viêm phế quản
- Viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi
Cha mẹ có thể chăm sóc trẻ ho tại nhà khi:
Khi trẻ ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ, nhưng bé vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn ói thì phụ huynh hoàn toàn có thể theo dõi chăm sóc ở nhà.
Phụ huynh nên chăm sóc trẻ bằng cách cho bé uống nhiều nước cam, chanh, hoặc ăn trái cây tươi; Nấu cháo hoặc soup để trẻ dễ ăn hơn và theo dõi nhiệt độ. Bên cạnh đó, nếu trẻ biếng ăn trong giai đoạn này, cha mẹ có thể bổ sung sữa tăng cường sức đề kháng để cung cấp thêm dưỡng chất và giúp trẻ triển khỏe mạnh. Khi trẻ đỡ ho, ăn uống tốt, không sốt, thở dễ thì trẻ sẽ khỏi trong vòng một tuần.
Các trường hợp ho của trẻ phụ huynh cần đưa đến bác sĩ ngay lập tức
Nếu trẻ ho có kèm theo các triệu chứng dưới đây, cha mẹ nên lập tức đưa bé đến bệnh viện để được điều trị.
– Trẻ ho cấp tính kèm co thắt, khò khè, tím tái. Đây có thể là do trẻ bị dị vật đường thở, phải sơ cứu ban đầu và cho trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
– Trẻ ho kèm sốt cao 39oC, thở mệt, lồng ngực co kéo, tiết đàm nhớt nhiều. Trong trường hợp này phụ huynh cần phải đưa trẻ đi khám sớm nhất có thể.
– Nếu trẻ ho khàn giọng, kèm khò khè, là triệu chứng của viêm thanh quản cấp tính. Bố mẹ nên đưa bé đi khám sớm, nếu trễ có thể trẻ sẽ bị khó thở.
– Đối với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, ho về đêm kèm nôn ói là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản.
– Nếu trẻ ho kéo dài trên 2 tuần, ho vào lúc sáng sớm và về đêm thì cần gặp bác sĩ để xem xét trẻ có bị bệnh hen suyễn hay viêm xoang mũi mãn tính không.
Dinh dưỡng khi trẻ bị ho
Khi trẻ bị ho cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như: súp, cháo, sữa… đảm bảo 4 nhóm bột, béo, đạm, rau và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần tăng cường sức đề kháng để chống bệnh. Vì thế cha mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu vitamin A, kẽm, sắt như: thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ và các loại sữa giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Cha mẹ cùng cần hạn chế cho trẻ ăn những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như: chiên, xào… vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Trẻ ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm, dãi. Vì thế trước khi cho trẻ ăn, cha mẹ nên cho trẻ uống vài thìa nước nhỏ, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về để long đờm cho trẻ. Điều này giúp trẻ đỡ ho và hạn chế tình trạng nôn trớ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần chia nhỏ bữa ăn để trẻ dễ dàng hấp thu dinh dưỡng.